Công tác chủ nhiệm lớp

Bài dự thi đăng trên bản tin giáo dục số 14

Người viết: Nguyễn Thị Đào

Chức vụ: Giáo viên

Đơn vị công tác: Trường tiểu học Nam Cường

 

 

Bài viết

Công tác chủ nhiệm lớp

 

         Để một tập thể lớp vững mạnh, vững mạnh về mọi mặt thì công tác chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng nhất. Người giáo viên chủ nhiệm lớp cũng có thể được ví như người thuyền trưởng cầm lái con tàu cập bến cảng của tri thức, của tương lai.

         Để trở thành một người giáo viên giỏi, một người giáo viên chủ nhiệm mẫu mực, bản thân người giáo viên không những phải biết tự ý thức về việc nâng cao năng lực, mở rộng kiến thức, rèn luyện bản thân. Mà hơn tất cả là tình yêu nghề, yêu trẻ, yêu các em học sinh của mình. Trong một tập thể lớp không phải lúc nào cũng chỉ có học sinh ngoan, mà chắc chắn sẽ có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, có đôi lúc, các thầy cô sẽ cảm thấy chán nản, bực dọc. Thế nhưng các thầy cô giáo còn giống như người cha người mẹ thứ hai của các em học sinh mỗi khi đến trường. Đã là cha, là mẹ thì nào có ai chán ghét con cái của mình, cha mẹ chỉ muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho các con. Chính vì lẽ đó đã làm cho những người lái đò thêm vững tâm hơn. Ngay từ những ngày đầu tiên nhận lớp, giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu về lớp, về tình hình học tập, nề nếp, cũng như ý thức chung của các thành viên trong lớp. Việc tìm hiểu này thông qua giáo viên chủ nhiệm trước đó và các giáo viên bộ môn đã từng đảm nhiệm công tác giảng dạy lớp trước đây. Tuy nhiên đây chỉ là những mặt bề nổi, rất dễ để nắm bắt, còn nằm sâu bên trong mỗi tâm hồn nhỏ bé, non nớt kia là cả một thế giới của riêng các em. Người giáo viên chủ nhiệm lớp tốt là một người tinh tế, biết quan sát, biết lắng nghe và chia sẻ. Các thầy cô giáo cần tìm hiểu kĩ hơn đến từng học sinh, bằng việc tâm sự với các em trên lớp và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình mỗi em. Giáo viên chủ nhiệm không những là người truyền đạt tri thức mà còn là người bạn thân thiết của các em, sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi các em cần. Đó cũng là cách để tạo dựng một niềm tin vững chắc, một tình yêu thương và sự kính trọng đặc biệt của học sinh đến các thầy cô giáo của mình. Các thầy cô giáo không những là cha mẹ, là người bạn thân thiết mà còn là một tấm gương sáng để các em noi theo. Từ sự kính phục đó các em sẽ tự giác trong việc thực hiện nội quy của trường, của lớp.  Khi đã hiểu rõ về từng em thì sẽ có phương pháp giáo dục các em sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

         Bên cạnh tình yêu thương vô bờ bến ấy là một phương pháp chủ nhiệm lớp khoa học, phù hợp và đảm bảo có hiệu quả tối ưu. Có lẽ không sự nghiêm khắc nào bằng sự tự quản. Đó là đề cao vai trò và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lớp. Đội ngũ cán bộ lớp phải là những học sinh ưu tú, gương mẫu, học giỏi và được tất cả các học sinh trong lớp yêu mến, nể phục. Và tốt hơn nếu mỗi học sinh được đảm nhiệm một vị trí riêng trong lớp, để ai cũng thấy rằng mình cũng là một phần của tập thể, và mình cũng có vai trò quan trọng trong lớp. Từ suy nghĩ này, sẽ là một động lực mạnh mẽ thôi thúc các em trong quá trình học tập, tu dưỡng và rèn luyện bản thân.

       Cùng với việc tự quản tốt là ý thức giúp đỡ nhau trong học tập. Giáo viên chủ nhiệm có thể tổ chức nhiều cuộc thi đua trong lớp qua mỗi giai đoạn khác nhau. Học sinh sẽ tự ý thức việc học tập của mình, tuy nhiên với một số em còn yếu kém, giáo viên nên phân công nhiệm vụ cho các bạn giỏi kèm bạn kém, hình thức như “ đôi bạn cùng tiến”. Hình thức học tập này không những giúp các học sinh kém tiến bộ mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của đôi bạn để cùng thi đua giữa các nhóm học tập khác trong lớp.

      Học tập tốt luôn đi liền với việc thực hiện nề nếp tốt. Cùng với đội ngũ cán bộ lớp chặt chẽ, vững mạnh như một cỗ máy đã đi vào vận hành linh hoạt. Cùng với ý thức học tập, ý thức thi đua rèn luyện của mỗi thành viên trong lớp chắc hẳn ý thức về nề nếp của lớp sẽ được đảm bảo. Mà cơ sở chính là từ sự tự giác, tự quản.

     Không những thế nguời giáo viên chủ nhệm lớp còn nên cởi mở, sôi nổi trong mọi phong trào, hoạt động của trường cũng như việc phát động những phong trào riêng của lớp. Các thầy cô giống như một người quản trò đặc biệt, luôn tạo mọi điều kiện để các em học sinh yêu quý của mình có cơ hội được vui chơi, được học tập một cách sáng tạo. Và đặc biệt là các em có cơ hội được thể hiện mình, được học hỏi từ bạn bè, được hình thành và rèn luyện những kĩ năng sống một cách tự nhiên. Từ đây sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong cuộc sống mai này.

     Như chúng ta đã biết, tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây cũng chính là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người. Bởi thế mà vai trò của người giáo viên chủ nhiệm lớp lại càng nâng lên đáng kể. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, không những giỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà các thầy cô còn là một tấm gương đạo đức cho các em noi theo. Nhắc lại một lần nữa về sự gần gũi giữa thầy và trò. Đây chính là sợi dây vô hình liên kết các thầy cô giáo với các em học sinh của mình. Để các em được học tập rèn luyện với tình yêu thương của thầy cô, bạn bè. Chính tình yêu thương ấy sẽ đong đầy trong các em, sẽ đơm hoa kết trái, và nảy nở trong tâm hồn để rồi mai này khi lớn lên các em có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Người giáo viên chủ nhiệm lớp hãy dành cho các thế hệ măng non mọi điều kiện giáo dục toàn diện nhất.

“ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” – Hồ Chí Minh.

Người viết bài 

Nguyễn Thị Đào – GV Trường Tiểu Học Nam Cường